THƠ: MÙA TRÔNG ĐỢI & NHƯ HOANG MẠC CHỜ MƯA






MÙA TRÔNG ĐỢI

Tím lại về mơ màng trên phẩm phục
Lá chia cành nhẹ tím lúc sang đông
Gió se se tím lạnh khói bềnh bồng
Mùa lại đến đem tím ùa lặng lẽ

Câu kinh chiều tím lòng ai nhè nhẹ
Giáo đường gầy nghiêng bóng tím trơ vơ
Mưa che thêm xóm đạo tím mịt mờ
Đâu tím đợi mà hồn ai ngong ngóng

Thánh Giá cao tím nền trời in bóng
Tiếng chuông hồi lịm tím vút không gian
Tím hồn ai thấm đẫm những giọt đàn
Mùa ân phúc, mùa dịu dàng màu tím

Tím khẽ khàng câu kinh cầu ngọt lịm
Mầu nhiệm nào nhắc nhở tím yêu thương
Thơ say cung điệu tím đến lạ thường
Huyền ảo tím phủ đầy mùa trông đợi.

*******************************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng





NHƯ HOANG MẠC CHỜ MƯA


Con đốt đuốc soi tìm mình trần trụi
Giữa nẻo đường trần thế đứng lơ ngơ
Tháng năm trôi mòn mỏi đã mệt phờ
Mà đêm tối mịt mù màu hoang vắng

Chúa trồng con đâu mong tìm quả đắng
Trắng tay hoài dầu ân phúc no dư
Bao chuyến qua còn đứng mãi chần chừ
Còn lưỡng lự? Còn ngần ngừ nấn ná?

Con tự hỏi sao còn chưa đáp trả?
Khi lòng hoài khát vọng những cao siêu
Khi bâng khuâng trống vắng biết bao chiều
Tìm chi đó, đợi chi mà quyến luyến

Như hoang mạc chờ mưa về thỏa nguyện
Đất khô cằn mong sương sớm thâu đêm
Con đợi Ai hồn chín nẫu ngọt mềm
Xin kíp đến Ai kia Người hãy đến

Trời cao hỡi sương sa Người đáng mến
Mưa nguồn về tuôn đổ Đấng Công Minh
Con nay đang hoài khao khát ân tình
Mùa trông đợi tím mong chờ khát vọng.

***************************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng





THƠ: NHIỆM MẦU BÍ TÍCH THIÊN ÂN


THI CA TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM B



NHIỆM MẦU BÍ TÍCH THIÊN ÂN

“…Có người quyền thế, muôn cao
Đến sau, hiện hữu ngọt ngào trước tôi
Chỉ ngay quai dép Ngài thôi
Tôi còn chẳng đáng sụp ngồi cởi ra
Tôi dùng nước rửa người ta
Nhưng Ngài rửa bởi sâu xa Thánh Thần”

Nhiệm mầu Bí tích Thiên ân
Giao hòa Thiên Chúa thế nhân tròn đầy
Cha con thắm thiết từ đây
Cha là Cha cả, con rầy nên con
Tội Nguyên(*) rửa sạch vuông tròn
Thiên cung rộng mở sắt son tình Trời…

Mùa về vang tiếng gọi mời
Dọn lòng đón Chúa, nhận Lời trường sinh.

***********************
  Giu-se Nguyễn Văn Sướng
(*) Tội Nguyên Tổ