Trang

Truyện vui nhà Đạo: Chuyện của K




                                    CHUYỆN CỦA K


      K…là em họ tôi, một thằng "ba lơn" thượng hạng. Việc gì nó cũng có thể đùa cợt được! Thua tôi một tuổi nên nó thường gọi anh xưng em với  tôi. Cùng ở trong một xóm đạo, nhà cũng gần nhau, cùng học một trường nên chúng tôi cũng chơi thân với nhau. Tôi,  trái ngược hẳn với nó, luôn luôn nghiêm túc, nên mẹ nó thường đưa tôi ra như mẫu gương để cho nó học tập.
        Một lần nọ, bỗng dưng nó không gọi tên tôi như thường lệ mà gọi tôi là ông Gia-Kêu. Mới đầu tôi cũng cự lại nhưng nó cứ phớt tỉnh. Riết rồi trong xóm cũng gọi tôi là Gia-Kêu, không sửa được nữa! Của đáng tội, tôi cũng giống ông Gia-kêu ở điểm...lùn. Cũng rất nhiều lần tôi lên lớp nó vì tính nết bông đùa của nó:
- Mày nghiêm chỉnh lại đi, việc gì cùng giỡn.
Nó cười nhăn nhở:
- "Đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào..."
      Một lần khác, tôi và nó cùng ngồi một bàn tiệc, cuối bữa, nó móc một điếu thuốc, sờ túi tìm lửa rồi đảo mắt nhìn quanh bàn tiệc và kêu toáng lên:
- "Lửa bởi trời đâu? Lửa bởi trời...đâu?"
      Cứ thế, nó sống nhởn nhơ chẳng lo buồn về bất cứ điều gì. Tôi đi vác cây với nó, đường dài tôi chăm chỉ đi không dám nghỉ còn nó thì cứ vừa đi vừa chơi, ấy thế mà lúc gần về đến thì nó bắt kịp tôi. Từ đằng xa, nó gọi tôi rối rít: "Ông Gia-Kêu, ông Gia-Kêu…" Tôi quay lại nhìn thì thấy nó vác cây gỗ ngang qua hai vai thành
người nó trông giống như cây Thánh Giá:
- I-N-R-I  này, ông Gia-Kêu, anh phải vác như “in ri" này .
Tôi gắt lên :
- Mày cứ liệu cái hồn mày đấy, đem cả Chúa ra mà giỡn, rồi Chúa sẽ phạt mày cho mà xem. Nó vẫn cười nhăn nhở:
- "Nếu Chúa trách tội, Chúa ôi. Nào ai đứng vững được ru..."
Tôi đành bó tay với nó. Thật ra, một hôm nó hỏi tôi:
- "Ông Gia-Kêu này, trên đầu Thánh Giá có chữ INRI nghĩa là sao vậy?"
         Tôi giải thích đấy là chữ viết tắt của câu Giê-Su Na-Za-Ret là Vua Do Thái, bây giờ, nó lại mang ra giỡn bảo tôi hãy vác cây giống nó, nghĩa là in như ri, in ri!
                                                          *
                                                      *       *
         Cuộc sống đẩy đưa, nhà tôi vì sinh kế phải dọn đi xa, chúng tôi cũng chẳng liên lạc gì nữa. Thoắt đấy mà mười năm như chớp mắt...
       Một sáng Chủ Nhật, có Thánh Lễ đồng tế giữa cha xứ và một cha khách. Tôi đứng cuối nhà thờ, suýt ngã ngửa ra vì sửng sốt khi cha xứ giới thiệu:
- Hôm nay có cha K…đến làm khách, tôi đã mời ngài cùng đồng tế…
          Cái thằng "ba lơn" chuyên đem chuyện đạo ra đùa!...
                          --------------------------------------------------
                                                                           GIU-SE  NGUYỄN VĂN SƯỚNG.


THƠ: CHÚA THẾ ĐẤY



CHÚA THẾ ĐẤY.

Chúa thế đấy, Chúa là như vậy đấy
Gần rất gần mà xa quá vợi xa
Trong vòng tay ôm huyễn hoặc bao la
Sáng huy hoàng là đêm đen dầy đặc.

Khi cô đơn hồn tìm về bên Chúa
Bóng trên tường buông lắng giọng trầm ngâm
Tơ lòng chùng cung điệu hạ âm ngân
Gió thở dài Chúa là như vậy đấy.

Chúa cao siêu trong các nhà Thần Học
Và thật gần khi bà mẹ cầu kinh
Góc khuất nào trong đêm tối tâm linh
Hồn mò mẫm giữa cao quang mầu nhiệm.

Bao băn khoăn khi giác quan mù mịt
Bao ngôn từ bất lực với Vô Biên
Cho Đức Tin làm thành lũy trung kiên
Chúa thế đấy! Chúa là như vậy đấy!

 
Có cánh bướm, Chúa không là cánh bướm
Thoáng hương say, Chúa chẳng thoáng hương say
Ngấn cổ nào sợi tóc vấn vương bay
Tim  lỗi nhịp bâng khuâng chiều hạ tím. 

Sao Chúa lại thánh thiêng vô cùng tận!
Để con người tìm kiếm với gian nan
Sao con người nhỏ bé giữa không gian
Mà tâm hồn mênh mông hơn vũ trụ.

Sao Chúa dựng xác thân là bụi đất
Giống hình Ngài Chúa thổi phú hồn thiêng
Cho con người hướng vọng đến vô biên
Và rung cảm về nguồn Chân, Thiện, Mỹ.

Chúa thế đấy, Chúa là như vậy đấy
Nên Danh Ngài mãi mãi vẫn là “TA”
Chúa giản đơn trong bí nhiệm sâu xa
Chúa thế đấy, Chúa là như vậy đấy.
     ----------------------------------
    Giu-se Nguyễn văn Sướng


THƠ: Đêm Ô-Liu


              

                           ĐÊM Ô-LIU.

Con tìm đến với vườn Dầu đêm tối
Chúa quỳ kia thinh lặng giữa mênh mông
Tiếng sói tru hay tiếng Quỷ gào đồng
Đêm tăm tối bủa vây ngàn Sự Dữ.

Trận chiến cuối giằng co sinh và tử
Hạt lúa mì giờ gieo xuống đất đen
Đêm không trăng tăm tối chẳng ánh đèn
Cô đơn quá bờ vai mang thế giới.

Nỗi thống khổ theo mồ hôi lăn tới
Đỏ như màu máu nóng của tim yêu
Tiếng kêu thương rúng động cả huyền siêu
“Xin đừng lấy ý con, Cha Thánh hỡi”.

Sương đêm dày phủ nặng vai phấp phới
Chút ấm lòng ai chia sẻ canh thâu!
Cảnh tiêu sơ rùng rợn đến nhiệm mầu
Cô đơn đến cả bóng mình cũng vắng.

Đã ràn rụa đêm nay tràn chén đắng
Chúa âm thầm cạn chén giữa đêm đen
Cha quay lưng, người bỏ mặc, phận hèn
Chỉ còn lại thân tội đồ gớm ghiếc!

Người quỳ đấy im lìm thân đơn chiếc
Nước mắt này Người nuốt ngược trong tim
Vườn Ô-Liu đồng cảm cũng im lìm
Và trùng dế theo nhau cùng bặt tiếng.

Trăng sao ngàn khép mi nằm chết điếng
Cho đất trời tăm tối, tối tăm thêm
Đêm mất đi thi vị của êm đềm
Giờ cao điểm, giờ Ác Thần hoạt động.

Con lặng lẽ ngước trời cao lồng lộng
Mắt lệ tràn giọt thống hối ăn năn
Đêm Ô-Liu  còn nặng mãi trở trăn
Người hấp hối dưới đau thương vạn thuở.

Đêm Ô-Liu muôn đời đêm một thuở
Bóng Chúa quỳ mờ mịt giữa đêm sương
Cô liêu thay Con-Chúa-Cả-Thiên-Đường
Đêm ghi khắc bóng hình Người hấp hối.
   ---------------------------------
   Giu-se Nguyễn văn Sướng.


THƠ: NHỚ THÀY THÁNG SÁU





    NHỚ THÀY THÁNG SÁU.

Ve buồn gọi lửa hạ sang
Thày(*) đi tháng sáu để vàng nhớ thương
Tiễn Thày đỏ phượng rực đường
Ao sen kín nở dâng hương nghẹn ngào
Nắng như tạt lửa trên cao
Sầu lên ngọn cỏ đường vào nghĩa trang.

Hè về rồi lại hè sang
Nỗi buồn tháng sáu mênh mang một đời
Thày xưa nghèo khổ sinh thời
Nhịn ăn nhịn mặc nhịn…trời ước mơ
Nhà đông, vợ dại, con thơ
Bữa no bữa đói bạc phơ mái đầu
Thái Sơn dầu dãi cơ cầu
Ơn cha cháy đỏ rực mầu nhớ thương.

Bao lần tháng sáu vấn vương
Khắc con vầng trán phong sương muộn phiền
Thày xa vui cõi bình yên
Trong con cháy đỏ triền miên hạ nào.
        -----------------------------
     Giu se Nguyễn văn Sướng
  (*) Thày: tiếng gọi cha,bố, ba…

Thơ: Chúa là nguồn thơ.


   CHÚA LÀ NGUỒN THƠ


Khi con muốn làm thơ, Chúa gợi hứng
Soi rọi lòng con đêm tối âm u
Nắng dịu dàng man mác của trời thu
Làn gió nhẹ hiu hiu hồn thi sĩ.

Con đặt bút, Chúa cầm tay nắn nót
Dòng chữ đầu là tán tụng hồng ân
Đã nâng con chẳng kém cạnh Thiên Thần
Cho mắt mở ngỡ ngàng vì Tuyệt Đối.

Con kinh ngạc về nhiệm huyền Thiêng Thánh
Con ngất ngây vẻ tuyệt mỹ Muôn Cao
Hồn chơi vơi bay bổng tới trăng sao
Lời tán dương tựa trầm hương tỏa ngát.

Khi Chúa là nguồn thơ con khao khát
Thì ý thơ siêu vượt đến Vô Biên
Thì lời thơ là suối nhạc triền miên
Chốn Địa Đàng đầy nguyên sơ huyền bí.

Khi Chúa là nguồn thơ dầu mộc mạc
Bà mẹ quê cũng thấm đẫm Cao Sâu
Câu ca dao đẹp tựa tiếng kinh cầu
Và mầu nhiệm cả hương đồng nội cỏ.

Chúa là nguồn thơ, con thành thi sĩ
Con gánh nước về, Chúa hóa rượu ngon
Trời say thơ con, đất say thơ con
Vì Chúa là thơ, nguồn thơ là Chúa.
    -----------------------------------
    Giu-se Nguyễn văn Sướng

Truyện vui Giáo Lý: BA LẦN GIẾT NGƯỜI.


                                                            BA LẦN GIẾT NGƯỜI

            Đầu năm học mới, Giảng Viên Giáo Lý chúng tôi họp bàn để phân công phụ trách lớp mới. Tôi, nguyên phụ trách lớp hai được chỉ định trông coi lớp xưng tội rước Lễ bao đồng. Tôi, vốn coi Trời bằng vung, vồn tính ưa đại khái, cho rằng chuyện nhỏ. Nhưng hoá ra, nhỏ không thành chuyện nên chuyện lại không nhỏ!
          Gần suốt cả năm học, Ngoài những giờ dạy Giáo Lý ra, tôi phải mướt mồ hôi sôi nước …miếng vì phải thực tập cho các em xưng tội và rước Lễ…giả! Ai đã từng dạy giáo lý trẻ chắc thông cảm cho tôi lắm.
          Riêng về bản xét mình, dựa vào mười điều răn Chúa và sáu điều răn Hội Thánh, tôi triển khai thêm ra cho phù hợp với các em, bản xét mình vì thế dài lê thê đến nỗi tôi hay gọi đùa là kinh cầu xưng tội. Tôi bắt các em chép đầy đủ và doạ sẽ dò bài từng em để chúng lo về nhà mà học (Dĩ nhiên tôi chẳng đời nào dò cả vì không đủ thời gian và công sức).
         Càng gần đến ngày các em được xưng tội rước lễ, tôi càng vất vả hơn. Tôi cho cả lớp ngồi đọc bản xét mình chung. Tôi sẽ miêu tả cảnh lớp tôi khi đọc bản xét mình:
     - Con có bỏ xem Lễ Chúa Nhật, ba lần. “cắc“
     - Con có trốn học Giáo Lý , ba lần, “cắc“...
        Cái chữ  “cắc“ ấy là lúc tôi đập cây thước kẻ xuống bàn để giữ nhịp cho các em. còn ba lần là con số tượng trưng, giả dụ cho mỗi tội. Dĩ nhiên tôi căn dặn các em rất kỹ, tùy tội mình mà gia giảm, hoặc bỏ nếu không mắc một số tội trong bản xét mình, hoặc thêm, nếu bản xét mình không có.
        Rồi cũng đến cái ngày mong đợi. Tôi đem các em vào nhà thờ ngồi ngay ngắn, hướng dẫn các em cầu nguyện cho sự kiện trọng thể này và ôn lại cho cả lớp bản xét mình chung để sau đó từng em tự xét mình riêng.
         Cha Giải Tội bước ra có đôi lời khuyến khích các em rồi bước vào toà giải tội. Tôi hướng dẫn từng em một lên xưng tội theo thứ tự và nhắc nhở các em giữ thinh lặng trong nhà thờ. Mọi chuyện êm thắm lắm cho đến khi Hùng cụt bước lên xưng tội. Chẳng biết nó xưng cái gì mà cha giải tội xô ghế đứng lên. Gọi nó là Hùng cụt vì cánh tay phải bị cụt bàn tay trong một lần ghè kíp nổ. Tôi vội vàng tiến lại, chỉ thấy cha giải tội nhìn tôi lom lom, nét mặt cha rất khó tả. Mãi một lúc cha mới nói:
        - Nó xưng rằng con có giết người , ba lần !

                          ------------&&&-----------
                   
                    Giu-Se  Nguyễn văn Sướng