Trang

MẸ VỀ ĐẸP MỚI THÁNG HOA & PHÚC CON




MẸ VỀ ĐẸP MỚI THÁNG HOA

Mẹ về đẹp mới Tháng Hoa
Nhắc con ngày bé trước Tòa cao sang
Tháng, vàng Sưa đến ngỡ ngàng
Tháng, Bằng Lăng tím mơ màng lối đi

Tháng Hoa niên thiếu còn ghi
Phượng hồng, Sứ trắng, Tường Vi khắp đường
Hái về dâng kính Mẹ thương
Những chiều rước Kiệu, sắc hương ngạt ngào

Mẹ về, con tuổi cũng…cao
Dâng Hoa vẫn thấy dạt dào ấu thơ
Bao giờ, Mẹ nhỉ, ước mơ
Tháng Hoa miên viễn, đến bờ bình an.

                                                       ******************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng


 PHÚC CON


Phúc con một kiếp làm người
“Linh ư vạn vật” vẹn mười nhân sinh
Phúc con, được Chúa uy linh
Cho làm con Chúa hiển vinh muôn đời

Phúc trùng, phúc điệp, rạng ngời
Ngày mưa tháng nắng ơn Trời phủ vây
Cơm ăn áo mặc no đầy
Còn ban Tiệc Thánh(*) cao dầy nuôi con

Hồng ân muôn sự sắt son
Phục sinh mai hậu vuông tròn thiên thu
Phúc con từ cõi mịt mù
Hư vô, Chúa gọi, chỉn chu, làm người.

**************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng 



CHÚA CHIÊN MUÔN THUỞ



THI CA TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH


CHÚA CHIÊN MUÔN THUỞ


Tay roi, tay gậy dẫn đầu

Non xanh gió mát, lũng sâu suối ngàn

Đồng xanh no thỏa bình an

Gậy, roi ngăn thú, giữ  đàn chiên ngoan


Cùng ăn cùng ngủ, hợp đoàn

Hiểm nguy tất tả lo toan mọi bề

Chiên lành, chiên ghẻ, chẳng chê

Ngày mưa tháng nắng đi về có nhau


Đàn chiên muôn vẻ muôn màu

Chúa chiên một dạ trước sau nhân từ

Đàn chiên con được con hư

Chúa chiên yêu quý chỉ như mỗi mình(*)


Yêu cho đến độ hy sinh

Yêu cho đến nỗi nhục vinh chẳng màng

Chúa chiên tột đỉnh cao sang

Nên Chiên-sát-tế phũ phàng vì yêu


Chúa chiên muôn thuở huyền siêu!

************

Giu-se Nguyễn Văn Sướng

(*) Như chỉ duy mình ta trên đời




THƠ:XIN VÂNG HAI CHỮ XIN VÂNG & VÌ CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI



XIN VÂNG HAI CHỮ XIN VÂNG

“Xin vâng”, nghe: Rất nhẹ nhàng
Nhưng mà, sống: Chẳng dễ dàng chút nao
Mang thai, giải thích làm sao
Giu-se còn định bôn đào, nói ai!

“Xin vâng”, hai chữ không dài
Ba ba năm ấy chông gai một đời
Khó nghèo nào biết thảnh thơi
Con côi Mẹ góa, chơi vơi đường trần

“Xin vâng”, đón nhận đặc ân
Để làm chiếc bóng ân cần của Con
Xuôi nam ngược bắc mỏi mòn
Con không riêng Mẹ, sắt son dặm trường

“Xin vâng”, chẳng phải thiên đường
“Xin vâng”, là gánh tai ương muộn phiền
Nghĩa là từ bỏ triền miên
Vì khôn Thập giá nhận điên thói đời

“Xin vâng”, ôi, Mẹ Chúa Trời
Theo “Con”, Mẹ đã tuyệt vời hiến trao
Một đời dõi mắt Muôn Cao
Can-vê thưa trọn nghẹn ngào “Xin vâng”

            *************
                Giu-se Nguyễn Văn Sướng

 VÌ CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI

Nếu Chúa không sống lại
Đức Tin ơi, rỗng không!
Đạo, biến thành lừa gạt
Thần, huyễn hoặc, nực cười.

Nếu Chúa không sống lại
Sống, chờ chết đấy thôi!
Đời, tang thương, vô nghĩa
Đáng nôn mửa, mày, Đời!

Nếu Chúa không sống lại
Công chính, quá ngu si
Thiện lương? Chẳng làm gì
Sống, nghĩa là lang sói.

Không công bằng: Bản chất
Từ thể xác, tâm linh
Từ phân hóa, giàu nghèo…
Thì…vùng lên, làm loạn.

Đạo nào chẳng giống nhau?
Đạo, lại rất khác nhau!
Tưởng dzậy, không phải dzậy!(*)
Đạo, không Đạo, đàng nào?

Nhưng Chúa đã sống lại
Trần gian, mỗi Chúa thôi!
Đời, không là vô nghĩa
Đạo, chính thật con đường.

Vì Chúa đã sống lại
Đời…còn tiếp đời sau
Chết không còn bí hiểm
Chết có nghĩa là còn.

Vì Chúa đã sống lại
Tạ ơn Chúa không thôi
Đời đâu là bể khổ
Vì Chúa sáng soi đời.
***********
(*) Câu quen dung của người miền Nam

 Giu-se Nguyễn Văn Sướng



CỨNG TIN, TIN CỨNG.




CỨNG TIN, TIN CỨNG.

Xưa từ một vị cứng Tin
Nay đang củng cố giữ gìn chúng con
Xưa đòi phải thấy, mới tròn
Ngày nay không thấy, phúc còn mênh mang
Tô-ma chắc cũng ngỡ ngàng
Ai dè gương xấu hóa đàng thiêng liêng
Mặc ai lý sự ngả nghiêng
Trông Tô-ma đủ vững kiềng ba chân:
“Đòi xem đòi thấy, cho gần
Phải sờ phải nắm chần vần mới nghe”
Thế mà sau bị đòn đe
Bêu đầu vì nỗi theo bè Ki-tô
Chứng này Chứng thật…điên rồ
Hay là Chứng “Thật” Môn đồ trung trinh
Dối gian mà phải hy sinh
Tin Thầy đến độ bỏ mình cam tâm
Tin đây đâu dễ Tin lầm
Cân đo đong đếm xứng tầm ngày nay.

Cứng tin, con cháu may thay
Hóa nên Tin cứng, thật hay, vuông tròn.

*************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng